Skip Navigation LinksChiTiet

Bác Hồ với báo chí

Xem với cỡ chữAA

Gương người tốt, việc tốt trên báo chí và văn chương

(04/12/2024 9:10:00 CH)

Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta rất quan tâm đến chuyên mục “Người tốt việc tốt” trên báo chí, chính Bác là người khởi xướng thể loại người tốt việc tốt để cổ vũ phong trào thi đua yêu nước.

Bác đặc biệt “quan tâm” đến thể loại này, không phải đây là chuyên mục do chính Bác đề xuất, mà quan trọng và cần thiết hơn là, đọc chuyên mục này, Bác biết tường tận, cụ thể những gương sáng có thật trong đời sống xã hội, để từ đó mà nhân rộng theo phương châm: “Hoa thơm lấn cỏ dại”, người người sống tốt, nhà nhà làm việc tốt, tất sẽ có một xã hội tốt. Trong nhiều trường hợp, Bác còn gửi thư, gửi quà đến động viên, khen ngợi kịp thời hoặc chụp hình chung kỉ niệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước, tháng 1/1967. Ảnh: TTXVN

Trong mấy năm gần đây, có thể nói, viết về gương người tốt việc tốt, báo chí đã hơn hẳn văn chương. Nhiều gương sáng trong cuộc sống đời thường xuất hiện trên đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử khiến đông đảo khán, thính giả, độc giả hết sức xúc động, sẻ chia và cảm phục. Thì ra, giữa thời buổi kinh tế thị trường đầy sôi động, đa chiều, mặt phải - mặt trái đan xen, vẫn không hiếm người sống tốt, làm việc tốt, thậm chí vươn tới tầm cao cả. Họ hội đủ các thành phần, lứa tuổi, sống và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, địa vị cũng không giống nhau, nhưng tất cả đều gặp gỡ ở ý chí, nghị lực vượt lên hoàn cảnh, khắc phục hoàn cảnh để làm cho cuộc đời trở nên hữu ích, để cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Nhìn lại, ta thấy xu hướng chung vẫn là tinh thần nhân văn, nhân ái, tận tuỵ, sáng tạo, quên mình làm những việc ích nước, lợi dân. Chắc rằng, những gương sáng ấy càng làm cho người ta thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của sự sống, ai cũng chỉ một lần sống; dĩ nhiên là phải sống sao cho đẹp, cho hài hoà, tương xứng.

Rõ ràng bức tranh xã hội không bao giờ trống vắng những mảng sáng, những cuộc đời đẹp, hướng thiện. Thế nhưng không hiểu tại sao, trong văn chương đương đại lại hơi “bị” thưa vắng những hình tượng cao cả, hơi “bị” ít kiểu nhân vật “siêu thoát, thánh thiện” giữa cuộc sống đời thường. Phải chăng khắc hoạ nhân cách tử tế, xây dựng gương người tốt, việc tốt khó hơn, phức tạp hơn so với khắc hoạ nhân cách tha hoá, phản cảm. Không thể nói vì thiếu mô hình, thiếu biểu tượng, thiếu chất hiện thực nên văn nghệ sĩ hụt nguồn cảm hứng, không có gì để viết. Ở đây, có lẽ đã đến lúc nên định vị lại chất lượng phản ánh của loại hình nghệ thuật được coi là “phép biện chứng tâm hồn”, giàu xúc cảm bậc nhất như văn chương; cần phát huy tối đa lợi thế chinh phục trái tim người vốn có của văn học. Về phương diện này, báo chí không thể thay thế văn chương; tiếc thay, văn chương thời nay lại chưa đáp ứng được kì vọng từ phía đông đảo người đọc. 

Lại không ít người quan niệm: chiến tranh qua rồi, không khí sử thi một thời trận mạc chỉ còn trong dĩ vãng, con người cao đẹp, hành động cao cả cũng đi vào lịch sử từ lâu; nay chuyển sang bối cảnh đời thường - thế sự, văn chương tất sẽ nghiêng về cảm hứng phê phán, cảm thông. Nói như thế không phải không có lí; nhưng chưa hẳn đã chuẩn xác theo cách nhìn biện chứng: Báo chí và văn chương thời nay cũng rất cần ngợi ca, khẳng định. Đã là xã hội thì cái tốt - cái xấu, cái thiện - cái ác, cái thật - cái giả, cái cao thượng - cái thấp hèn,… luôn song hành, đan xen với nhau (dù không ai muốn cái thứ hai lấn át cái thứ nhất). So với thời chiến, có thể nói, xã hội hôm nay có phần quanh co, phức tạp hơn nhiều. Ấy là thực tại thường ngày với các quan hệ thế sự vốn đa đoan, đa điệu, chằng chịt trăm ngàn sợi dây, đan dệt vô số mạch nổi và mạch ngầm của đời sống. Riêng trong nghệ thuật, đó còn là đời sống cá nhân của mỗi con người với những vấn đề riêng tư, số phận, nhân cách, với khát vọng về mọi mặt, cả hạnh phúc và đau khổ; là thế giới tinh thần phong phú từ bề mặt, bề ngoài đến “tảng băng chìm” bí ẩn trong tâm linh, tiềm thức, vô thức. 

Như chân lí hiển nhiên, báo chí và văn chương, đồng thời với phanh phui những mặt trái, góp phần làm cho hiện thực thêm công bình, nhân bản; còn là khám phá, khẳng định những cái tốt, cái đẹp, gợi cho người đọc vừa trăn trở, nghiền ngẫm vừa phấn khởi, tin tưởng. Để bổ sung, tập hợp thêm tư liệu, làm đầy vốn sống và trải nghiệm, văn chương rất cần cập nhật báo chí (nghe - nhìn - đọc); báo chí hỗ trợ văn chương những nguyên mẫu, giúp nhà văn tiếp cận, thu nhận nhiều hơn gương người tốt việc tốt, có khi những gương sáng ấy lại ở xung quanh ta, sát bên cạnh ta; để rồi nhà văn ấp ủ ý tưởng, nung nấu và chuyển cảm hứng thành tác phẩm; biết đâu lại là tác phẩm đỉnh cao. Đến đây, chắc ai cũng tỏ tường: Trong tâm thức người Việt vốn đã mặc định tinh thần lạc quan, thăng hoa, siêu thoát: “Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi lên cây”(Ca dao).

Tóm lại, thuộc hiện tượng tinh thần, văn chương và báo chí tương hỗ lẫn nhau. Bởi quan tâm cả hai nên Nhà nước mới cho thành lập, cấp trụ sở, cấp kinh phí cho Hội VHNT, Hội Nhà báo hoạt động với tư cách là các tổ chức Chính trị - Xã hội - Nghề nghiệp. Có điều, nhìn vào thực tại, xem ra hiệu năng của báo chí hơn hẳn văn chương. Sự tác động đến đời sống xã hội, báo chí cũng mạnh và thiết thực hơn văn chương (và các loại hình nghệ thuật nói chung). Thực tế cho thấy, báo chí không chỉ phản ánh gương người tốt việc tốt mà còn góp phần hữu hiệu vào cuộc đấu tranh đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực (tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền,...). 

Ts Nguyễn Bá Long/NLBKG
Kết nối với Hội nhà báo:
© NGƯỜI LÀM BÁO AN GIANG
Trang TTĐT tổng hợp của Hội Nhà báo tỉnh An Giang
Số 111, đường Mạc Cửu, phường Rạch Giá, An Giang
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang
Chịu trách nhiệm chính: Lê Thành Phương
Giấy phép: số 10/GP-TTĐT do Sở Thông Tin Và Truyền Thông Kiên Giang cấp ngày 02/02/2024