
Đường vào căn cứ xưa. Ảnh TRƯƠNG THANH NHÃ
Năm 14 tuổi(1961) tôi tham gia cách mạng, vào công tác ở nhà in Hồ Văn Tẩu trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Rạch Giá, căn cứ ở kinh Trung đoàn trong rừng tràm U Minh Thượng. Con người vả vùng đất nơi đây ngay lần đầu tiên gặp gỡ đã in vào tâm trí tôi những ấn tượng khó phai về nét đặc trưng không lẫn vào đâu của người dân U Minh Thượng. Đó là đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, thủy chung nhân hậu, bền bỉ kiên trung.
Cánh rừng U Minh bạt ngàn cây tràm và tỏa hương quanh năm ngan ngát. Hoa tràm trắng ngần tỏa hương ngào ngạt bên dòng nước U Minh sắc đỏ ân tình như máu thắm không phai.
Gia đình tôi cũng là nơi nuôi chứa cơ quan Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá trong những năm đánh Mỹ. Lô Mười Hai, Sân Gạch, Cây Bàng, Vĩnh Hòa, Vỉnh Tiến… Những tên gọi thân thương gần gũi như gìn giữ, nắm niú tuổi thơ tôi với bao kỷ niệm của một thời niên thiếu. Cả những tuổi thiếu niên thơ mộng bên dòng kênh ngang dọc có những cây cầu khỉ đi qua. Và đâu đó giữa mùi rơm rạ thơm lừng trong mỗi đêm trăng là hình ảnh của một thời dấu yêu mà không bao giờ tôi quên được.
U Minh Thượng còn là những đồng chí, đồng nghiệp của tôi đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Họ ra đi mãi mãi không về. Bia tưởng niệm của trên 30 đồng chí đã thất lạc mồ mã nằm ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Thuận vẫn còn đó những tên tuổi các nhà báo Hồ Châu, Hoàng Hảo, Tư Đông (Ái Dân), Lâm Thanh Sơn ( Tám Thanh), Hồng Văn Quang ( Bảy Vệ), Nguyễn Văn Cộng ( Bảy Truyền), Trần Anh Tuấn ( Tư Xuân), Lâm Huy Hoàng, Nguyển Quốc Việt…
Dù có qua bao thay đổi và biến thiên của thời gian nhưng tôi tin chắc rằng: Sẽ không ai và điều gì bị quên lãng nơi đây, vùng đất U Minh Thượng thiêng liêng và chan chứa ân tình …
***

Mùa xuân nầy, tôi về U Minh Thượng cùng với anh bạn đồng nghiệp bằng xe Honda mà không phải qua phà Tắc Cậu. Gió thổi mát rượi trên những chiếc cầu mới xây vắt ngang qua dòng sông Cái Lớn, Cái Bé phả vào mặt mũi tôi những làn gió se lạnh của mùa xuân đầu tiên. Xe chạy bon bon qua cầu mà không phải đợi phà có khi cả tiếng đồng hồ vượt sông Cái Lớn. Nỗi ước mơ từ bao đời nay của người dân An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận đã thành hiện thực.
Cây cầu nối cả bao vùng đất như nối cả tấm lòng của người dân U Minh thật thà, chân chất, trọn nghĩa trọn tình. Đi dài theo tuyến kinh xáng Xẻo Rô còn gọi là Miệt Thứ, quốc lộ 63 ngày nay được mở rộng và bê tông hóa phẳng lì giờ đây trở thành đường hành lang ven biển phía Nam được kết nối với hành lang 3 nước Đông Dương là Việt nam, Cam pu Chia và Thái Lan như nối dài tình hữu nghị của 3 nước láng giềng cùng sống chung trên dòng sông Mê Kông hùng vĩ.
U Minh Thượng hiện nay bao gồm 4 huyện : An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng.
Nằm giáp với tỉnh Cà Mau, Vĩnh Thuận là huyện nằm xa trung tâm tỉnh Kiên Giang nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh về kinh tế và văn hóa, xã hội. Huyện An Biên và An Minh những năm gần đây nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế , sản xuất mở rộng về phía biển với mô hình sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân xóa đói giảm nghèo, đổi đời nhanh chóng.
Xe chúng tôi đi dài trên con đường Nam kỳ khởi nghĩa. Con đường nầy do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm và đặt tên nối liền 3 huyện vùng căn cứ, là địa bàn của huyện U Minh Thượng được tách ra từ năm 2007. Nằm trong huyện U Minh thượng còn có rừng tràm quốc gia U Minh Thượng vùa được công nhận là di sản Asean năm 2013. Đây cũng là nơi đang xây dựng và tôn tạo khu căn cứ của Tỉnh ủy Kiên Giang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Những dấu tích của chiến tranh còn để lại trên con đường với tôi vừa thân quen, vừa lạ lẫm. Từ trong thẳm sâu của ký ức, những hình ảnh ngày xưa một thời đầy ắp kỷ niệm hiện về. Đây là Kinh làng thứ 7, nơi giặc Mỹ đã dùng máy bay B52 dội hàng tấn bom, giết chết trên 130 đồng bào và trẻ em vô tội trong ngày 3 tháng 8 năm 1968.
Bia căm thù còn đó, sừng sững như một chứng nhân nhắc nhở mọi người không thể nào quên những nỗi đau của một thời chiến tranh ác liệt. Kia là vườn ông Nhạc, là nơi trao trả tù chính trị năm 1973, khi hiệp định Paris được ký kết. Tôi bấy giờ là phóng viên báo Chiến Thắng được cử đi làm nhiệm vụ trong Ban liên hợp quân sự. Hồi ấy, bọn Mỹ - ngụy tráo trở, lật lộng, chẳn những chúng không thực hiện sự thỏa thuận hai bên mà còn cho máy bay ném bom bắn phá gay thêm nhiều tội ác với nhân dân.
***

U Minh Thượng giờ thay đổi nhiều quá. Mới đó mà đã 40 năm từ ngày tôi rời xa mãnh đất yêu thương và tràn đầy tình cảm nầy . Ngồi nghe các anh lãnh đạo huyện ủy vùng căn cứ kể lại những tháng ngày đầy gian khổ khi thành lập huyện mới cảm thấy hết sức tự hào và thán phục Đảng bộ , chính quyền và nhân dân vùng cách mạng nơi đây.
Thời gian không dài và phải bắt đầu xây dựng từ con số không nhưng rồi tất cả đều đi đến thắng lợi hoàn toàn khi mọi trái tim của nhân dân và Đảng bộ cùng chung nhịp đập. Phải bắt đầu từ đâu, trồng cây gì, nuôi con gì, bài toán chuyển mình cho vùng căn cứ cách mạng quả không hề đơn giản. Cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống bà con nông thôn phần lớn là nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn… Vậy mà chỉ trong vòng 10 năm phấn đấu, U Minh Thượng đã bắt đầu thay da đổi thịt. Đâu ai ngờ vùng căn cứ khi xưa giờ nhanh chóng hóa thân trở nên sung túc. Hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh rì ngút mắt. Mùi thơm của bông lúa, của hương tràm, của dòng kinh nước đỏ cứ quyện vào nhau làm say đắm bước chân ai khi đi ngang qua những con đường nông thôn trù phú.
Từ thực tiễn mà nhìn lại, Đảng bộ U Minh Thượng phát triển đi lên từ sự giao hòa chắt lọc giữa quá khứ và hiện tại. Bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang là nỗi trăn trở của những người lãnh đạo địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng được coi là chiếc chìa khóa vàng để đổi đời mảnh đất từng gánh chịu bao hậu quả của cuộc chiến tranh.
Nhưng quan trọng hơn cả là tác động của bàn tay con người U Minh Thượng. Nếu như ngày xưa , bà con vùng nông thôn còn trông chờ, ỷ lại vào sự chu cấp của Nhà nước, trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế thì vài năm trở lại đây, sự đổi thay trong nhận thức của bà con nông dân đã thay đổi nhiều lắm. Bà con đã biết đứng lên tranh thủ làm giàu, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, tự mình xây dựng cung cách làm ăn mới với tiêu chí : đưa năng suất và chất lượng sản phẩm làm mục tiêu hàng đầu phấn đấu. Những nông dân sản xuất giỏi ở U Minh Thượng bây giờ nhiều vô kể. Sổ tay tôi ghi chép vài hộ nông dân mà tên tuổi của họ đã vang xa khắp vùng : Ông Huỳnh Văn Sang, Dương văn Trung, Võ Văn Út, Nguyễn văn Mùi…với nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cũng từ đó, các đặc sản của vùng U Minh Thượng ra đời như mắm cá lưỡi trâu, mật ong, cá thát lác, con vộp… là những thương hiệu không lẫn vào đâu của vùng U Minh Thượng…
U Minh Thượng còn là địa phương mà số hộ nghèo giảm đáng kể từ ngày thành lập huyện, từ 25% nay chỉ còn 8%. 6 xã của huyện đều có trạm y tế, trường mẫu giáo, điện sinh hoạt, hệ thống nước sạch và phủ sóng điện thoại. Hệ thống đường sá đã đi đến dễ dàng các xã vùng sâu vùng xa trong huyện kể cả mùa mưa…
Đi trên những con đường tráng nhựa thẳng tắp mà lòng tôi cứ trỉu nặng bao nỗi suy tư. Mỗi góc rừng, dòng kinh, con đò, bến nước … gợi trong tôi bao kỷ niệm của một thời không dễ gì quên được. ..Xã Vĩnh Hòa, nơi cơ quan Thông tấn báo chí đóng quân trong nhà dân những năm 1968-1969… Những người lớn tuổi như bác Hai Điền, chú Hai Hữu, Tư Bơ, Sáu Dùi , Út Bé, Tư Thuận… giờ đã không còn nữa… Những người trẻ cùng thời với tôi ngày xưa giờ đã hai thứ tóc trên đầu, con đàn cháu đống..
Thời gian dầu có đổi thay nhiều thứ theo tháng năm nhưng hình ảnh những con người U Minh, Vĩnh Thuận vẫn không bao giờ thay đổi. Vẫn nhân hậu, thủy chung, sống có nghĩa có tình với đồng bào đồng chí nhưng với kẻ thù thì quyết liệt, không nhân nhượng,một tấc không đi, một ly không rời…Làm sao tôi quên được cô Tư Bơ cùng chị em phụ nữ U Minh đã dũng cảm đấu tranh trực diện với kẻ thù, cản đầu xe bọc thép cương quyết không cho chúng càn lên ruộng lúa của bà con nông dân mà buộc chúng phải xuống nước tháo chạy theo sự chỉ dẫn lọt vào trận địa của du kích. Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Lê văn U, người du kích U Minh kiên cường đã bám trụ đánh giặc giữ rừng, dũng cảm chiến đấu đánh tan xác 3 xe M113 của địch. Chiến công của anh cùng đội du kích lúc bấy giờ tôi đã viết bài đăng trên báo Chiến Thắng. Tuy đã hơn 40 năm, nhưng anh đã cất giữ bài báo ấy như một vật kỷ niệm trong cuộc đời chiến đấu của anh.
Nhớ nhất là hình ảnh anh Nguyễn văn Cộng tức Bảy Truyền, người chuyên khắc gỗ, minh họa và trình bày báo Chiến Thắng đã anh dũng hy sinh trên đường đi phát hành báo Xuân bị giặc phục kích bắn chết vào những giờ phút thiêng liêng đêm giao thừa năm 1972.
Tôi không bao giờ quên được năm 1963, đồng chí Nguyễn Thành Nhân tự Bảy Trần, thư ký tòa soạn Báo Chiến Thắng tỉnh Rạch Giá đã hy sinh trên đường đi tác nghiệp, bị máy bay Mỹ bắn chết ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Hòa. Trong ba lô đồng chí còn dang dở những tư liệu và ngổn ngang những trang viết về công trình huy động nhân dân đào tuyến đê bao U Minh Thượng.
Còn nữa…Những con người ở vùng đất hào hùng nhưng cũng lắm đau thương ở Lô 12, Vĩnh Tiến như ông Tư Hộ, Hai Qui, Chín Lắm, Bảy Diện, Ba Đối, Hai Liêm, Tư Tôn, Ba Đa, Ba Kiểm, Năm Chỉ, Ba Khải, Tám Châm, Mười Thắm, Út Nhứt…đã từng nuôi chứa, đùm bọc Ban Tuyên huấn trong những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh. Địa danhVĩnh Tiến cũng là tên đứa con trai út của ba tôi mà ông đã đặt tên để nhớ mãi tình đất tình người.
Những tên đất, tên người U Minh đã đi vào huyền thoại, gợi lại trong tôi bao ký ức không thể phai nhòa : Kinh Trung Đoàn, Công Sự, Ấp Khân, Cây Bàng, Sân Gạch, Kè Một…Từng thước đất, từng con kinh nơi đây đã thắm máu bao anh hùng , liệt sĩ, của bao đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc thân yêu…
***
Chiến tranh, ôi chiến tranh! Chiến tranh sẽ là món nợ tinh thần của nhiều thế hệ. Bỡi nó là ký ức của một thời đáng nhớ, vẫn hiện diện như thể nó chưa bao giờ chấm dứt. Tôi nhớ câu danh ngôn của một văn hào người Nga: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác…
Vâng, kỷ niệm thì thuộc về quá khứ. Mà quá khứ của một thời bom đạn hào hùng được kết tinh bằng máu xương và nước mắt thì không thể nào phai nhòa cho dù lớp bụi thời gian có phủ lên nhiều tầng nhiều lớp. Những con người và vùng đất U Minh Thượng anh hùng vẫn sống mãi cùng non sông đất nước như dòng kinh nước đỏ U Minh ngàn đời ngọt ngào chảy vào tưới xanh từng gốc cây, ngọn cỏ cho vùng căn cứ hào hoa và kiêu hãnh.
Kỳ tích trong quá khứ đang ươm mầm cho những phát triển trong hiện tại và tương lai. Hôm nay U Minh Thượng chưa phải là giàu, song thực tiễn cái thuận lợi cũng như những việc làm được có sức lay động lòng người. Đó là hiệu quả để cổ vũ, khích lệ U Minh Thượng để lấy đà đi lên vững chắc.
Từ giã U Minh Thượng, tôi đi trong ánh hoàng hôn nhuộm màu sắc tím từ chân trời phía xa. Như vẫn tự bao giờ, nước rừng U Minh pha sắc đỏ chảy dài theo năm tháng. Những cánh cò chấp chới trên trời cao từ các nơi vội vã tỏa về tổ ấm từ phía cánh rừng như muốn níu chân tôi, hứa một lần trở lại.
Mùa xuân đã về, vủng U Minh Thượng ngào ngạt tình người, tình đất…